BSCK I Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM cho biết, đậu đen là một loại thực phẩm thuộc họ đậu, không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, vì vậy được rất nhiều người yêu thích sử dụng. Đậu đen có chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, anthocyanin, canxi, magie và tổ hợp vitamin B.
Theo y học cổ truyền, đậu đen hay còn gọi là hắc đậu có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ thận điền trung, hạ khí lợi thủy, tiêu thũng, thanh giải nhiệt độc, giải phong nhiệt, dưỡng huyết. Đậu đen có thể dùng để trị bệnh như âm hư, khát nhiều, chóng mặt, mờ mắt thận hư, thận khí không đủ gây đi tiểu thường xuyên, đau thắt lưng, cơ thể suy nhược và ra nhiều mồ hôi, trừ phong nhiệt và giải độc. Uống nhiều nước đậu đen còn có thể cải thiện tình trạng tóc khô, râu tóc bạc sớm và giúp nuôi dưỡng tóc đen, khô mắt và mờ mắt, cải thiện thị lực.
Đậu đen chứa nhiều sắt, tốt cho sức khỏe và được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày với liều lượng vừa đủ. Ảnh minh họa.
Các nghiên cứu cho thấy, đậu đen có tác dụng lợi tiểu, giảm phù nề, thúc đẩy nhu động ruột cải thiện tình trạng táo bón, giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ làm đẹp và mọc tóc, bảo vệ mắt. Bên cạnh đó là thức uống tốt cho sức khỏe của phụ nữ sau sinh (hỗ trợ tiết sữa sau khi sinh) và nhân viên văn phòng ít vận động.
Bác sĩ Yến Nhi cho biết, trong đậu đen có nhiều canxi và magie vì vậy khi uống nước đậu đen có thể bổ sung hai nguyên tố vi lượng này, giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương. Đậu đen rất giàu isoflavone và lecithin, có tác dụng chống xơ cứng động mạch và giảm cholesterol. Chất xơ trong đậu đen có thể giúp giảm mức cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Yến Nhi, mỗi ngày uống một đến hai cốc là đủ, đồng thời vẫn cần uống xen kẽ nước lọc. “Lượng nước đậu đen uống hàng ngày được khuyến cáo không được vượt quá 1/3 tổng lượng nước uống hàng ngày, tức là với người lớn uống dưới 500ml nước đậu đen là phù hợp nhất”, bác sĩ Nhi cho hay.
5 người sau cần lưu ý khi uống nước đậu đen:
- Người bệnh có lượng axit uric trong máu cao thì không nên uống nước đậu đen. Hàm lượng purine trong đậu đen cũng cao, purine sẽ bị phân hủy thành axit uric trong cơ thể con người. Vì vậy, những người bị tăng axit uric máu và bệnh gút cũng nên thận trọng khi uống nước đậu đen để tránh tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Đậu đen chứa nhiều dinh dưỡng nhưng không phải ai dùng cũng tốt - Ảnh minh hoạ.
- Người dễ bị đầy hơi: Mặc dù khả năng bị đầy hơi khi uống nước đậu đen thấp hơn so với việc ăn trực tiếp đậu đen nhưng nước đậu đen vẫn có thể chứa oligosaccharide khó tiêu nên những người dễ bị đầy hơi, chướng bụng, đau bụng và các triệu chứng khó tiêu khác vẫn nên cẩn thận.
- Bệnh nhân suy thận: Do người bệnh giảm chức năng thận (độ lọc cầu thận – eGFR, dưới 60ml/ph/1.73m2 da) có chức năng bài tiết ion kali kém hơn so với bình thường; mà trong nước đậu đen rất giàu kali. Vì vậy nếu uống quá nhiều nước đậu đen có thể gây tăng kali máu và gây ra các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, suy nhược, tê ngứa, rối loạn nhịp tim, tức ngực...
- Mang thai sớm: Phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai được khuyên không nên uống nước đậu đen vì đậu đen có chứa estrogen tự nhiên (isoflavone đậu nành) có thể kích thích gây co bóp tử cung.
- Dị ứng: Những người bị dị ứng với các loại đậu được khuyên không nên uống nước đậu đen để tránh những biến chứng nghiêm trọng như ngứa da, thậm chí là phù nề, sưng miệng họng.
Ngoài ra, không nên uống trước khi đi ngủ, vì nước đậu đen có tính lợi tiểu. Uống quá nhiều trước khi đi ngủ có thể gây tiểu đêm nhiều lần và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.